Báo Sapa - Tin tức cho người Sapa

Những người bám rừng nuôi hy vọng

11:56 SA
Thứ Năm 18/06/2020
 2571

Những người bám rừng nuôi hy vọng . vùng núi Lào Cai vẫn ngày ngày băng qua vạt rừng ẩm ướt để tìm kế sinh nhai cho gia đình. Họ đã nhiều đời gắn bó với rừng, cuộc sống của họ no đủ cũng từ rừng mà nên.  


Người trồng thảo quả có nửa năm phải ở lán chốn "thâm sơn cùng cốc" để bảo vệ thành quả trước nạn trộm cắp. Cuộc sống trong rừng thiếu thốn đủ bề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng họ vẫn bám trụ để giữ "báu vật" giúp họ thoát nghèo.

Thảo quả bao lâu nay gắn bó với cuộc sống đồng bào dân tộc Mông, Dao… đem đến cho họ cuộc sống ấm no, không ít người trở thành triệu phú, tỉ phú từ nguồn thu thảo quả. Với Sùng A Dũng, 31 tuổi, thôn Can Hồ Mông, xã Bản Khoang (Sa Pa), nếu chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng bậc thang có lẽ gia đình anh sẽ trong cảnh triền miên nghèo. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi từ khi Sùng A Dũng bén duyên với cây thảo quả. Năm nào cũng vậy, từ tháng sáu, Sùng A Dũng bắt đầu vận chuyển các vật dụng, như nồi niêu, mắm, muối, gạo, củi vào rừng để chuẩn bị cho những ngày bám rừng canh giữ thảo quả. Đến tháng 11, sau khi thu hoạch xong những gốc thảo quả cuối cùng, anh mới được đoàn tụ với gia đình. Vợ anh, chị Châu Thị Mẩy sau khi gặt xong vụ mùa cũng tất tả ngược rừng cùng chồng thu hoạch thảo quả. Vừa đặt chiếc gùi đựng đầy thảo quả chín từ trên lưng xuống, Sùng A Dũng vừa nói với tôi: Thảo quả chớm chín là lúc bọn trộm cắp hoạt động, nên thời gian này vợ chồng tôi đều phải dồn sức để bảo vệ thành quả và cũng là nguồn thu chính của gia đình. Hơn 10 năm trồng thảo quả, A Dũng cứ đi đi, về về như thế, bao lần bị rắn cắn, bao lần bị sốt rét rừng hành hạ, nhưng A Dũng vẫn kiên trì bám rừng để bảo vệ thảo quả. Bởi Sùng A Dũng nghĩ "muốn có tiền nuôi con ăn học, cho gia đình bớt nghèo thì cực nhọc một chút có đáng là bao". Có lẽ hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ mà 2 con của Dũng như trưởng thành hơn so với tuổi, đến mùa thảo quả, khi bố mẹ lên rừng, hai cháu đều tự giác đi học và thay mẹ làm những công việc nhà mà không cần phải nhắc nhở.

Sấy Thảo Quả

                                                                       Sấy thảo quả.

Sùng A Dũng dẫn tôi men theo con đường mòn ngược núi để thăm nương thảo quả của gia đình anh. Sau trận mưa đêm hôm trước, cả núi rừng, cây cối đều ẩm ướt, dưới mặt đất thỉnh thoảng có một vài chú sâu róm bò lổm ngổm, thỉnh thoảng chúng lại cùng nhau đánh đu trên những ngọn cỏ. Tôi chợt "hết hồn" hét to khi nhìn thấy trên mái tóc của Sùng A Dũng bỗng xuất hiện một con vắt ngọ nguậy, anh vội dùng tay gỡ con vật vứt xuống đất, lấy chân dẫm cái bép rồi quay lại trấn an: Không sao đâu, đừng lo, cứ quấn khăn kín là không sợ vắt và sâu tấn công... Cho dù leo núi nóng toát mồ hôi tôi vẫn không dám bỏ chiếc khăn quấn kín đầu vì sợ những con vật vô tình chui vào người. A Dũng đeo một chiếc túi, trong có một chai rượu: "Ông anh họ ở lán bên cạnh vừa bẫy được con chuột rừng, chai rượu này để nhắm với thịt chuột"- Dũng nói như thanh minh.

Đường càng lên cao càng heo hút, dốc như dựng đứng hơn sau mỗi bước chân, nóng ruột, chốc chốc tôi lại hỏi sắp tới lán chưa, A Dũng chỉ cười "gần thôi mà". Khoảng một giờ sau, A Dũng cất tiếng gọi và có tiếng bản địa đáp lại vẳng ra từ khu rừng trước mặt. Lán trông thảo quả hiện ra, khói từ lò sấy quyện với sương mù mờ ảo, mùi thơm thảo quả đượm nồng khiến tôi quên hết mệt nhọc. Chiếc lán của vợ chồng Sùng A Dũng dựng tạm dựa lưng vào vách núi, mái lợp bằng lá thảo quả, lán thấp lè tè và có phần ẩm ướt. Mỗi năm vợ chồng Sùng A Dũng phải lợp lại lán một lần, chưa kể những trận mưa rừng làm chúng tơi tả.

Chị Châu Thị Mẩy (vợ anh Dũng) lúi húi cạnh chiếc bếp bắc tạm đang chế biến món thịt chuột, bên trên là một mẻ thảo quả đang sấy, kế bên là giàn su su chuẩn bị ra lứa quả mới. Ở chốn "thâm sơn cùng cốc" nên cuộc sống của những người canh thảo quả thiếu thốn đủ đường. Đơn cử như để có nước nấu ăn, chị Mẩy phải đi bộ khoảng 30 phút lên cái thác ở cánh rừng bên để lấy nước về. Mâm cơm không rau, chỉ độc món canh thịt chuột, với những người canh thảo quả giữa rừng sâu, được ăn thịt là bữa cơm sang trọng rồi. Sùng A Dũng rót rượu mời anh họ Vàng A Lử, mời khách, cả chị Mẩy cũng có phần. Ba người nhanh chóng "cạn bát", còn tôi tập trung thưởng thức món thịt chuột rừng thơm ngậy, giòn tan. Thức ăn được nêm đầy ớt, bát rượu cũng được uống nhiệt tình hơn để xua đi cái lạnh như cắt da, cắt thịt đang len lỏi vào cơ thể.

 

 Bữa cơm đạm bạc của những người trông thảo quả.

                         Bữa cơm đạm bạc của những người trông thảo quả.

Trong câu chuyện quanh chén rượu, tôi được biết các lán canh thảo quả cách nhau khoảng 1giờ đi bộ, tùy diện tích của từng nương thảo quả, thế nên có khách từ lán này sang lán khác là được người ta quý lắm, đặc biệt khi có "khách thành phố" ghé thăm. Trong câu chuyện Sùng A Dũng kể, tôi thấy phảng phất nỗi buồn khi vụ thảo quả này gia đình anh không được mùa. Gần 2 ha thảo quả chỉ thu được hơn 1 tạ quả khô, bán được khoảng 13 - 14 triệu đồng. Nhưng A Dũng quyết định sấy khô, bảo quản trên gác bếp chờ qua Tết Nguyên đán mới bán với hy vọng giá cao hơn. Cũng theo Sùng A Dũng, sấy thảo quả là một nghệ thuật. (Nếu một số xã khác đã bắt đầu áp dụng lò sấy cải tiến vừa tiết kiệm nhiên liệu lại nâng cao sản lượng cũng như chất lượng mỗi mẻ thảo quả, thì tại các nương ở Bản Khoang, hầu hết người dân vẫn sử dụng lò sấy thủ công). Muốn thảo quả sau khi sấy có màu nâu đẹp mắt, người sấy phải giữ lửa ở mức trung bình. Nếu lửa nhỏ, thảo quả sẽ mốc, còn lửa quá to, thảo quả sẽ bị cháy. Sau khi sấy khô, thảo quả được người dân đựng vào những bao tải để vận chuyển xuống núi.

Bữa cơm đang yên ả, A Dũng nói tiếng địa phương với vợ rồi anh cùng A Lử vội vàng đi về phía nương thảo quả. Chị Mẩy thì thầm: Lợi dụng lúc ăn cơm trưa, hình như có người lẻn vào nương lấy cắp thảo quả. Hồi lâu sau, A Dũng và A Lử trở về tay không, tên trộm đã chạy thoát. Vào mùa thảo quả chín, người dân Bản Khoang lại nơm nớp lo vì nạn trộm cắp. Ăn rừng, ngủ rừng mà có hộ vẫn mất hàng chục kg vì nương thảo quả quá rộng, không thể kiểm soát. Có khi kẻ trộm liều lĩnh lẻn vào lán lấy cắp thảo quả khô bởi người ở lán canh thường đi tuần liên tục trong đêm. Lâu rồi họ cũng phát hiện ra kẻ trộm thảo quả là người cùng bản, cùng thôn, vì nể nang nên khó xử lý. Những năm trước, nạn trộm thảo quả lan khắp các vạt rừng, nhưng năm nay tình trạng này đã giảm bởi trong xã đã lập tổ bảo vệ thảo quả, cắm chốt trên đường, bên cạnh đó, người trồng thảo quả đã nâng cao cảnh giác.

                                “Báu vật” giữa đại ngàn.

             “Báu vật” giữa đại ngàn.

Vất vả, cực nhọc, thiếu thốn, nguy hiểm là công việc của người bảo vệ thảo quả. Ở chốn thâm sơm, mỗi vụ thảo quả đến rồi đi qua, người dân vẫn không ngại lên rừng rồi lại xuống núi, vất vả là vậy nhưng nụ cười vẫn phảng phất sau làn khói sấy nghi ngút. Chia tay vợ chồng Sùng A Dũng lòng tôi bỗng dâng trào hy vọng vụ sau người trồng thảo quả sẽ được mùa.

Bài viết cùng chuyên mục
Ý kiến đóng góp của bạn

Danh mục

Bài viết xem nhiều