Báo Sapa - Tin tức cho người Sapa

Xã Tả Phìn

18:21 CH
Thứ Tư 30/06/2021
 4189
tu-vien-co-ta-phin-10-mi0.jpg

Xã Tả Phìn nằm ở phía bắc thị xã Sa Pa, có vị trí địa lý, Phía đông: giáp xã Trung Chải, Phía tây: giáp xã Ngũ Chỉ Sơn, Phía nam:  giáp các phường Hàm Rồng, Phan Si Păng và Ô Quý Hồ, Phía bắc:  giáp huyện Bát Xát.


Giới thiệu

Xã Tả Phìn thuộc Thị xã Sa Pa, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 8km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng.

Mục lục

1 Địa lý

2 Hành chính

3 Lịch sử

4 Trụ Sở

5. Mã Zipcode bưu điện

6. Du lịch Tả Phìn

Địa lý

Xã Tả Phìn nằm ở phía bắc thị xã Sa Pa, có vị trí địa lý:

Phía đông: giáp xã Trung Chải

Phía tây: giáp xã Ngũ Chỉ Sơn

Phía nam:  giáp các phường Hàm Rồng, Phan Si Păng và Ô Quý Hồ

Phía bắc:  giáp huyện Bát Xát.

Xã có diện tích:  27,08 km², dân số năm 2017 là 3.198 người, mật độ dân số đạt 118 người/km².

Hành chính

Xã Tả Phìn được chia thành 6 thôn: Can Ngài, Giàng Tra, Lủ Khấu, Sả Xéng, Suối Thầu, Tả Chải.

Lịch sử

Trước đây, Tả Phìn là một xã thuộc huyện Sa Pa.

Ngày 11 tháng 9 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Sa Pa, xã Tả Phìn thuộc thị xã Sa Pa như hiện nay.

Trụ sở Xã Tả Phìn

Địa chỉ:  Đội 4, Thôn Sả Xéng, Xã Tả Phìn, Thị xã Sa Pa, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3502.267     

Email: [email protected]

Mã bưu chính/ Zip code

Mã hành chính  03013

Du lịch Tả Phìn

Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Đây là một hang động còn cất giữ rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết. Vào trong hang, du khách sẽ có cảm giác như đang được đi xuyên qua vách núi, đường đi thì ngoằn ngoèo, lúc lên lúc xuống, có chỗ phình to, có chỗ lại giống như người thiếu phụ đang bế con, có chỗ giống như các cô tiên nữ đang tắm, có chỗ lại giống một mâm xôi khổng lồ với những mảng nham thạch xù xì phớt trắng, hệt như những mảng san hô bám xung quanh, có chỗ uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích. Từ trên đỉnh núi, những giọt nước thấm dần rồi đọng lại nơi chóp của nhũ đá, nhỏ giọt từng nhịp trong không gian mờ ảo. Đi sâu vào bên trong hang, du khách sẽ bắt gặp một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, bên trên có in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Vách đá phía đối diện có những dòng chữ tiếng Pháp được khắc bằng vật cứng, mà cho dù bị bụi thời gian phủ lên nhưng ta vẫn có thể đọc được.

Hang động Tả PhìnHang động Tả Phìn với nhiều nhũ đá với hình thù kỳ bí, hấp dẫn du khách tham quan

Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mông và tắm lá thuốc của người Dao đỏ là 2 “đặc sản” không thể bỏ qua của du khách khi đến mảnh đất này.

Đặt chân đến các bản dân tộc ở Tả Phìn, điều đầu tiên thu hút du khách chính là hình ảnh những phụ nữ Mông duyên dáng trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu. Vào sâu bên trong bản, du khách sẽ thấy các bà, các chị miệt mài ngồi se lanh, dệt vải ngay trước cửa nhà.

Chính từ những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa đó đã tạo ra rất nhiều sản phẩm thổ cẩm phong phú, đa dạng, đủ kiểu dáng và màu sắc như: ba lô, túi khoác du lịch, túi xách tay, ví, tranh, khăn, áo, mũ…

Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn là vật kỷ niệm tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Đây cũng là một mặt hàng lưu niệm, được du khách ưa chuộng chọn làm quà tặng khi du lịch Sapa. Đặc biệt, thổ cẩm Tả Phìn còn được nhiều nơi trong cả nước đặt hàng để bán cho khách và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch…

Đến Tả Phìn, ngoài việc tìm mua những sản phẩm thổ cẩm “chính hiệu” của người Mông, du khách còn háo hức thưởng thức dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Vào những ngày cuối năm, người Dao thường lên rừng lấy những cây lá thuốc về nấu nước tắm để đón năm mới. Tắm lá thuốc có tác dụng tốt cho sức khỏe và đã trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch.

Tắm lá thuốc Dao đỏ Tả Phìn

Tắm lá thuốc người Dao Đỏ cũng là một trải nghiệm không nên bỏ qua khi đến Xã Tả Phìn

Thuốc tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn có nhiều loại cây hơn so với thuốc của các nhóm người Dao khác, dao động từ 10 đến hơn một trăm loại khác nhau, tùy mục đích sử dụng. Cây thuốc tươi hoặc sau khi đã phơi khô được chặt nhỏ, cho vào một chiếc nồi lớn rồi đun sôi bằng củi.

Sau đó, nước thuốc được đổ vào một thùng gỗ tròn, pha thêm nước lạnh vừa phải để tắm. Trong căn phòng nhỏ, hơi nước nóng từ bồn gỗ tỏa ra, quyện với mùi hương thảo dược khiến người tắm cảm thấy vô cùng sảng khoái và dễ chịu.

Tắm hoặc ngâm chân lá thuốc trong một thời gian dài có tác dụng chữa trị các bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi cơ, thần kinh tọa, cảm hàn, cảm cúm, dạ dày, các bệnh ngoài da, ho, đau lưng, đau gan… Đặc biệt, phụ nữ tắm lá thuốc da dẻ sẽ mịn màng, máu huyết lưu thông.

Tắm lá thuốc của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khoẻ mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá. Hiện ở Tả Phìn có nhiều hộ gia đình người Dao đỏ mở dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, du lịch đên bản Tả Phìn, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về đời sống sinh hoạt cùng những phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây như nghi lễ múa Bai Tram bắt ba ba, nghi lễ cưới, hát giao duyên… hay các lễ hội của người Mông: lễ cúng giải hạn, lễ ăn thề, lễ cúng làng và nhất là lễ hội Gầu Tào.

Nếu có cơ hội du lịch Sapa, du khách đừng quên chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và khám phá những nét văn hóa độc đáo tại bản Tả Phìn để có những trải nghiệm thú vị nhất.

Xem thêm>> Bán khách sạn ở Sapa trung tâm

Bài viết cùng chuyên mục
Ý kiến đóng góp của bạn

Danh mục

Bài viết xem nhiều