Tất Tần Tật về Sapa
Tổng hợp Tất Tần Tật về Sapa du lịch thông tin chi tiết nhất phương tiện di chuyển đến sapa, nơi ở, địa uống, Nghỉ ở đâu khi đến Sapa? Ở Sapa di chuyển bằng gì? Những điểm check in không thể bỏ lỡ
Bài review tổng hợp từ rất nhiều trải nghiệm ở Sapa. Tất cả về Sapa đều có ở đây, từ đi lại, ăn uống, địa điểm đẹp, những góc check in ảo diệu,…
Sapa Tất Tần Tật – Những góc Check in ở Sapa tuyệt đẹp
Làm sao để đến được “Thị Xã Sapa trong sương”?
NÔI DUNG
- Phương tiện di chuyển đến Sapa
- Thời tiết ở Sapa có gì đặc biệt?
- Nghỉ ở đâu khi đến Sapa?
- Ở Sapa di chuyển bằng gì?
- Những điểm check in không thể bỏ lỡ
- Du ngoạn trên những tầng mây, chạm tay vào Fansipan huyền thoại
- Sống ảo mệt nghỉ ở Hotel de la Coupole – Mgallery
- Hiểu thêm về văn hóa của người Giáy tại bản Tả Van
- Utopia Eco Lodge – ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên
- Check in với Thác Tiên Sa ở bản Cát Cát
- Tìm hiểu kiến trúc Gothic tại Nhà thờ Đá cổ
- Thử thách leo lên cây Cầu Mây Cổ
- Khám phá hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam – Séo Mý Tỷ
- Check in với “Vua của những con đèo” Ô Quy Hồ
- Lên Cổng Trời ngắm trọn toàn bộ thị trấn Sapa
- Ngắm nhìn “dải lụa trắng” ở Thác Bạc
- Ăn gì, uống gì khi ở Sapa?
- Mua gì ở chợ đêm Sapa?
- Những điều cần chú ý
Phương tiện di chuyển đến Sapa
Việc di chuyển từ Hà Nội lên Sapa bây giờ không còn khó khăn như trước nữa. Có rất nhiều phương tiện khác nhau cho các bạn lựa chọn như: Tàu hỏa, Limousine, Xe khách chất lượng cao,… Tuy nhiên mình thấy cách phổ biến nhất mà được nhiều bạn lựa chọn đó là đi bằng xe khách chất lượng cao như: Fansipan Express, Queen Cafe, Inter Bus Lines,…
Xem thêm>> Thúy Đặc Sản Sapa
Mình có cơ hội được trải nghiệm 3 loại hình phương tiện di chuyển: Tàu hỏa, Limousine, Xe khách chất lượng cao. Trong bài này mình sẽ đánh giá khách quan nhất về 3 loại hình phương tiện này để giúp các bạn có được sự lựa chọn tốt nhất.
Đỉnh Đèo Ô Quý Hồ Sapa - Ảnh dulichchat
Tàu hỏa Hà Nội – Sapa: Ngay cả việc đặt vé tàu bây giờ cũng rất thuận tiện. Bạn có thể đặt vé online hoặc ra trực tiếp quầy bán vé tại Ga Hà Nội để mua. Giá vé dao động từ 550k đến 1.200k 1 vé/ 1 lượt đi. Việc di chuyển bằng tàu hỏa mình thấy có 1 số vấn đề như sau:
– Sẽ giúp các bạn tiết kiệm thời gian khi đi qua đêm.
– Trên tàu các bạn có thể mua riêng 1 cabin gồm có 4 giường, nếu các bạn đi nhóm 4 người thì tốt nhất, còn không nếu các bạn thích sự riêng tư thì có thể mua riêng 1 cabin VIP trên tàu.
– Hiện tại các toa tàu Việt Nam được đầu tư mới nội thất, trang trí rất đẹp mắt. Mỗi giường nằm đều có gối, nềm mềm và dép đi lại trên tàu. Ngoài ra còn có nước miễn phí, đồ ăn nhẹ và bàn chải đánh răng. Đợt mình đi thì chưa có cái này, huhu.
– Nếu đi tàu các bạn phải bắt thêm taxi hoặc xe buýt ở Ga Lào Cai để lên trung tâm thị trấn Sapa. Mình không thích điều này.
Giá vé: 550k – 1.200k/1 người/ 1 lượt.
Thời gian: 8 giờ đồng hồ.
Ảnh Trên Fansipan - Dulichchat
Xe khách chất lượng cao: Có rất nhiều hãng xe khác nhau cho các bạn lựa chọn như: Fansipan Express, Queen Cafe, Inter Bus Lines,… Chuyến trải nghiệm gần nhất tại Sapa mình lựa chọn book combo 3N2Đ và di chuyển bằng xe Queen Café. Từ trước đến này mình luôn mang tâm lý lo sợ khi đi xe khách giường nằm 2 tầng. Thi thoảng còn nghe vài vụ xe khách bị lật khi đổ đèo lại càng thêm run chứ. Nhưng lần này đưa bạn nó book Combo trước rồi mới rủ mình đi, thôi thì ván đã đóng thuyền rồi thì thay đổi làm sao được nữa, huhu…
Tuy nhiên vì mệt và thiếu ngủ của ngày hôm trước nên vừa lên xe được 1 lúc thì mình đã lăn ra ngủ rồi. Trên cả hành trình chỉ nhớ xe dừng lại ở 2 điểm nghỉ cho mọi người ăn uống và đi vệ sinh. Còn lại cả quãng đường từ Hà Nội lên Sapa mình chỉ ngủ với ngủ và vì thế mà chả thấy sợ gì cả. Tỉnh dậy thì đã 6h sáng, xuống xe và đi taxi về khách sạn. Sau khi trải xe khách chất lượng cao thì mình thấy:
– Xe khách chỉ dừng 2 lần trên cả hành trình dài 6 đến 7 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy việc của các bạn là hãy kiểm soát thật tốt bàng quang của mình đó nhé.
– Nhà xe sẽ cho bạn xuống tại 1 bãi xe của họ, và bạn đừng mong là họ sẽ đưa bạn đến thẳng khách sạn đâu nhé.
– Có 1 điều lưu ý là các bạn hãy chú ý giữ đồ của mình cẩn thận khi ngủ trên xe nhé. Vì khi ngủ say như… thì chả ai biết là gì cả.
Giá xe: 220k/1 người/ 1 lượt.
Thời gian: 6 – 7 giờ đồng hồ.
Giá taxi: 50k/ 1km.
SĐT: 02143 508 399.
Xe Limousine: Ngoài xe khách chất lượng cao và tàu hỏa thì các bạn có thêm lựa chọn là xe Limousine. Mình chọn nhà xe Limousine Trường Thanh, Xe Eco Limousine, Đức Minh Limousine cho chuyến đi gần nhất. Đặc điểm của loại hình xe Limousine là chỉ chạy ban ngày. Rất thích hợp cho những bạn nào thích ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ và mang tâm lý sợ đi xe khách như mình. Đi xe Limousine thì có ưu điểm là xe rộng, thoáng. Tuy nhiên hôm mình đi Limousine của Trường Thanh có được trải nghiệm không như mong muốn. Xe chạy nhanh, nhưng vấn đề là vào những đoạn ổ gà tài xe cũng không giảm ga và thắng lại, cứ thế phi vèo qua, mình ngôi trên xe mà nhẩy cả người lên khỏi ghế, hú hồn. Còn nữa, hôm mình đi ở trên xe không có chăn, và nước lọc phục vụ như giới thiệu.
Giá vé: 400k/1 ghế.
Thời gian: 5 giờ đồng hồ.
Ưu điểm: Xe đón trả tận nơi.
Thời tiết ở Sapa có gì đặc biệt?
Có 1 vấn đề mà mình thấy rất nhiều bạn quan tâm khi đến với Sapa đó là thời tiết. Có lẽ cũng bởi vì thời tiết trên Sapa được ví như cô gái mới lớn vậy. Sáng có thể nắng, chiều lại mưa được ngay, và tối đến những cơn lạnh của gió mùa đông ùa về. Nhưng chính điều đó lại khiến cho chúng ta mê mẩn ở Sapa, đi lần 1 chắc chắn sẽ có lần 2, lần 3.
Người ta hay thắc mắc, đi Sapa mùa nào thì đẹp? Thực ra mình nghĩ đi Sapa thì mùa nào cũng đẹp cả. Mỗi mùa sẽ có 1 nét riêng của nó. Như tháng 3 đến tháng 5, đây là khoảng thời gian theo mình nghĩ nó là đẹp nhất trong năm ở Sapa. Ban ngày trời nắng, không khí trong lành và thời tiết ấm áp, rất thích hợp cho các hoạt động ngoài trời đặc biệt là trekking leo núi. Đặc biệt đây cũng là mùa mà người dân bản địa bắt đầu canh tác đất đai của họ, những thửa ruộng bậc thang trông giống như một tấm gương phản chiếu mỗi khi nước về.
Khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, đây là thời điểm những cánh đồng lúa bắt đầu trổ đòng, đơm bông. Cả 1 thung lũng Mương Hoa xanh ngát màu lúa, nhìn như 1 bức tranh giữa núi rừng hùng vĩ vậy. Tuy nhiên mùa này lại được coi là mùa ẩm ướt nhất ở Sapa. Những cơn mưa lớn đến sớm hơn và thường kéo theo lũ làm sạt lở đất. Sẽ rất nguy hiểm nếu các bạn đi trekking vào thời điểm này.
Đến khoảng tháng 9 đến 12 lúc này Sapa mang 1 thời tiết mát mẻ và khô ráo. Đặc biệt là những thửa ruộng bậc thang đã bị nhuộm vàng cả 1 vùng bởi lúa đã chín rực rỡ. Đây cũng là thời điểm thích hợp cho việc trekking săn mây và lúa chín.
Khoảng thời gian từ giữa tháng 12 cho đến hết tháng 2, đây là thời điểm Sapa bước vào mùa đông lạnh giá. Nhiệt độ luôn ở mức thấp nhất, đôi khi còn giảm xuống 0 độ với thời tiết rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, mưa rơi ướt áo ướt vai, làm sao ướt nổi tinh thần anh em. Chính vì vậy mà mùa đông Sapa lại rất đông. Bởi nếu may mắn, thì bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những bông tuyết rơi trên những con đường dốc thoai thoải, nhìn như trong phim Hàn Quốc vậy.
|
|
|
Sapa bây giờ không còn như trước nữa rồi. Mọi thứ phát triển nhanh quá, đặc biệt là dịch vụ Homestay, khách sạn, Resort. Chính vì vậy sẽ không quá khó để tìm 1 khách sạn để lưu trú đi các bạn đến với Sapa. Tùy thuộc vào những dự định kế hoạch của các bạn sẽ có những lựa chọn cho phù hợp. Nếu bạn thích được hòa mình với thiên nhiên, được khám phá nét độc đáo từ văn hóa của người dân tộc thì mình nghĩ các bạn nên chọn những Homestay trong các bản như Cát Cát, Tả Van, Lao Chải,… Còn đối với mình, trở lại Sapa lần này với mục đích nghỉ ngơi thư giãn, vì vậy mình chọn 1 khách sạn ngay gần trung tâm để tiện cho việc di chuyển.
Mình book combo lưu trú 3N2Đ tại khách sạn Nomadtrails Boutique SaPa, nằm ở phố Tuệ Tĩnh. Mình ở hạng phòng Deluxe dành cho 2 người giá là 1.100k đã bao gồm xe đưa đón và ăn sáng rồi. Mình có tham khảo giá trên page của khách sạn cho hạng phòng mình ở đã có giá là 950k cho 1 đêm nghỉ rồi. Vậy nên mình quyết định lựa chọn combo vừa nhanh lại vừa tiết kiệm.
Phòng ở Nomadtrails Boutique SaPa không quá rộng, chỉ khoảng 25m2 thôi, nhưng với quỹ thời gian bọn mình ở trong phòng quá ngắn thì như vậy là thoải mái rồi. Phòng được thiết kế rất sang trọng, mang 1 chút phong cách thiết kế cổ điển mà mình đã từng gặp ở Legacy Yên Tử hoặc Hotel de la Coupole. Ăn sáng ở đây còn ít món, chủ yếu là bún phở, mì xào, bánh mì với trứng ốp la,… tuy nhiên với cái dạ dày yếu ớt của mình thì như thế là đủ rồi.
Khách sạn: Nomadtrails Boutique SaPa
Vị trí: 15 Tuệ Tĩnh
Sau khi nhận phòng, nghỉ ngơi thay đồ thì cũng là lúc chúng mình bắt đầu chuyến hành trình 2N3Đ khám phá “Thị trấn trong sương”. Một vấn đề mà không chỉ mình mà có rất nhiều bạn quan tâm đó là ở Sapa di chuyển bằng phương tiện gì cho hợp lý? Mình có 1 vài gợi ý cho các bạn lựa chọn nhé.
Đi bằng xe máy: Thị xã Sapa tuy nhỏ nhưng cảm điểm tham quan check in lại nằm khá xa nhau, khoảng cách trung bình từ 2km cho đến 20km. Chính vì vậy việc thuê xe máy là phương tiện tối ưu nhất mà chúng mình lựa chọn. Ở Sapa hiện giờ có rất nhiều địa chỉ cho thuê xe, lần gần nhất mình có thuê xe máy ở ngay đối diện khách sạn Nomadtrails Boutique SaPa. Địa chỉ mình không nhớ rõ, chỉ nhớ là nó nằm ở phố Tuệ Tĩnh, đoạn công trường đang thi công ý. Giá thuê xe ở đây chỉ từ 100 -150k tùy loại xe từ xe ga đến xe số, xe côn. Xe ở đây rất khỏe, như hôm mình có thuê xe và chạy lên hẳn hồ Séo Mý Tỷ mà xe đi vẫn rất ngon.
Địa chỉ: Phố Tuệ Tĩnh
Giá thuê: 100k/ xe số.
SĐT: 098.300.6696 (anh Hiệp).
Bạn cần: Đội nón bảo hiểm khi chạy xe, chú ý không đi vào đường cấm, đường 1 chiều. Nhớ là khi rẽ thì phải bật đèn xin đường nhé.
Bạn nên: Thuê xe số để đi, vì ở Sapa đường dốc và cua tay áo khá nhiều, vì vậy theo mình thì bạn nên đi xe số cho an toàn.
Thuê Taxi: Phương án này mình thấy phù hợp hơn với những gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già. Chứ với tụi trẻ như chúng mình ưa khám phá yêu trải nghiệm thì lựa chọn thuê xe máy và phiêu lưu là quá hợp lý rồi. Giá taxi ở Sapa không tính theo đồng hồ đâu nhé, ở đây họ tính theo quãng đường, bạn nên hỏi giá trước khi lên xe nhé. Còn 1 gợi ý nữa là các bạn có thể đặt Grab Taxi, như vậy bạn sẽ biết được giá trước khi bạn quyết định đi hay không?
Đi bộ: Đi bộ hay còn gọi là bộ môn trekking. Mình thấy cái này được nhiều bạn khách Tây lựa chọn, nhất là những đoạn đường đi vào Tả Van, Lao Chải hay Cát Cát. Nếu các bạn muốn đi bộ trải nghiệm và ngắm cảnh thì nên chuẩn bị cho mình 1 đôi giày đế êm, có khá năng chống nước và trơn trượt nhé. Còn những loại giày cao gót, giày da hay dép thì mình nghĩ nên để chúng ở nhà đi. (thật đó không đùa đâu).
Những điểm check in không thể bỏ lỡ
Du ngoạn trên những tầng mây, chạm tay vào Fansipan huyền thoại
Vì chuyến đi lần trước mình lên Fansipan nhưng gặp phải trời mưa với lại mây mù tịt, chả nhìn thấy gì cả. Chính vì vậy lần này mình quyết định “phục thù” bằng được “nóc nhà Đông Dương”. Những lần trước thì mình mua vé thẳng tại quầy, giá vé niêm yết cho tuyến cá treo là 700k cho người lớn và 500k cho trẻ em. Cộng thêm 2 tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa và Tàu lên đỉnh Fansipan nữa là 820k cho 1 người.
Còn lần này đứa bạn mình nó đặt combo trọn gói là 850k/ 1 người (giá gốc bạn ý bảo mình là 920k thì phải) đã bao gồm trọn gói hết rồi. Đặc biệt còn có thêm 1 bữa ăn trưa tại nhà hàng… (mình não cá vàng quá mà) chỉ nhớ là nó ở ga Hoàng Liên thôi. Đấy là thủ tục hành chính đã xong xuôi, giờ là lúc “lên đỉnh” thôi.
Xuất phát từ Hotel de la Coupole, các bạn sẽ được trải nghiệm trên tuyến tàu hỏa leo núi Mường Hoa có Ga đi nằm ngay trong khuôn viên khách sạn. Ngồi trong toa tàu khoảng 15 phút, các bạn sẽ được trải qua hành trình dài 2km như được “bay” trên thung lũng Mường Hoa vậy. À, lên tới ga Hoàng Liên các bạn chớ có đi luôn lên Fansipan nhé. Bởi ngay bên ngoài có 1 lối đi nhỏ dẫn ra vườn hoa Hướng Dương, nấc thang lên thiêng đường, và cả bãi cỏ roi ngựa tím(nhiều người bị nhầm đây là hoa oải hương). Chỉ riêng ở đây thôi là đã mang về cả tá ảnh sống ảo rồi đấy.
“No xôi chán chè” rồi, chúng mình ra nhà ga cáp treo để “lên đỉnh” Fansipan. Ui choa! Buồng cáp treo vừa di chuyển ra ngoài, thay vì hào hứng được “lên đỉnh” thì mình thấy “nâng nâng” cái cảm giác khó tả giữa sướng và sợ ý. Sau 1 vài giây phút sợ và sướng thì mình đã kịp ổn định tâm tinh thần để ghi lại 1 vài pose ảnh đẹp. Ngồi trong buồng cáp treo các bạn sẽ được chiêm ngưỡng núi rừng hùng vĩ với rất nhiều loài cây như: cây gạo, cây mít hay đỗ quyên, hoa lan,… Mình phải thừa nhận 1 điều rằng thiên nhiên Việt Nam đẹp vô cùng.
Bước khỏi cabin cáp treo, từ cái cảm giác sợ độ cao nó đã lây lan sang sợ lạnh. Thế là bao nhiêu người ngồi cùng cabin với mình lôi hết áo khoác, mũ len, khăn quàng cổ ra mặc (trong đó có mình hihi). Đứng 1 lúc thì cơ thể bắt đầu quen với nhiệt độ trên này, thấy ấm dần lên. Tiếp tục di chuyển các bạn sẽ đến Bích Vân Thiền Tự, nơi các bạn có thể cầu nguyện cho người thân của mình được bình an. Tiếp tục di chuyển qua cổng Thanh Vân Đắc Lộ, các bạn sẽ thấy Kim Sơn Bảo Thắng Tự với rất nhiều pho tượng Phật được chế tác rất công phu.
Để đi tiếp lên tới đỉnh Fansipan, có 2 cách cho các bạn lựa chọn. Một là các bạn có thể di chuyển bằng tàu hỏa leo núi lên tới đỉnh. Hai là đi bộ khoảng 600 bậc đá. Mình chọn đi tàu hỏa chiều lên và lúc xuống đi bộ để ngắm cảnh. Sau khi đi tàu lên đỉnh Fansipang, các bạn cần leo thêm 1 đoạn ngắn nữa để có thể chạm tay vào biểu tượng của “nóc nhà Đông Dương”. Thú thật là lần đầu “lên đỉnh” mà mình cứ nghĩ là mơ ý. Nhớ ngày xưa đi học chỉ được nghe cô giáo giảng đỉnh Fansipan cao 3.143 mét, là nóc nhà Đông Dương. Cũng chẳng nghĩ sẽ có ngày được chạm tay vào đỉnh Fansipan huyền thoại này. Thực sự là 1 trải nghiệm đáng nhớ. Ít nhất 1 lần trong đời các bạn hãy thử cảm giác được chạm tay vào “nóc nhà Đông Dương” nhé.
Những thứ bạn cần: Mang theo áo khoác, găng tay hoặc áo mưa đề phòng những hôm trời không đẹp, có mưa.
– Giá vé: 850k/1 người (giá combo:tàu hỏa leo núi Mường Hoa + Cáp treo + Tàu hỏa lên đỉnh + Ăn trưa).
– Giá tàu hỏa Mường Hoa: 50k/ 1 người.
– Giá vé cáp treo: 700k/1 người.
– Giá tàu hỏa lên đỉnh Fansipan: 70k/1 người.
– Giá buffet trưa: 150k/ 1 người.
– SĐT: 034.926.1615.
Bạn nên: Bôi kem trống nắng trước khi lên Fansipan nhé. Vì trên này cường độ ánh nắng chiếu xuống rất mạnh cho nên các bạn dễ bị cháy da.
Sống ảo mệt nghỉ ở Hotel de la Coupole – Mgallery
Trong ký ức của mình từ những chuyến đi lâu lắm rồi, thì với mình Sapa chỉ có núi rừng, các bản làng mộc mạc đơn sơ. Tuy nhiên những lần quay lại “Thị trấn trong sương” này, mình đặc biết bị ấn tượng bởi 1 tòa nhà nhìn rất cổ kính nằm ngay ở trung tâm thị trấn. Đó là Hotel de la Coupole. Thực sự mình còn bất ngờ hơn khi đặt bước chân đầu tiên chạm cửa khách sạn, bên trong De la Coupole như 1 cung điện vậy. Sau này tìm hiểu mình mới biết nó được thiết kế dưới bàn tay của kiến trúc sư Bill Bensley – người được mệnh danh là phù thủy trong làng nghỉ dưỡng. May mắn trước đó mình có cơ hội được trải nghiệm đứa “con đẻ” của Bill Bensley ở Quang Ninh đó là Legacy Yên Tử. Thực sự thì mình không biết phải dùng từ gì để mô tả về những công trình kiến trúc của ông nữa. Quá tuyệt vời.
|
Mình vào Hotel de la Coupole với tư cách là khách tham quan. Thường thì mình thây ở 1 số resort hay khách sạn lớn khách thì chỉ khi bạn book phòng mời được vào tham quan hoặc chụp ảnh. Tuy nhiên ở Coupole thì các bạn cứ thoải mái nhé, sẽ không mất phí đâu chỉ cần giữ yên tĩnh không làm ảnh hưởng đến khách lưu trú ở đó là được.
Cảm nhận chung, mình thấy ở Coupole được thiết kế theo kiến trúc Pháp nổi bật kết hợp với những họa tiết của văn hóa vùng Tây Bắc. Mọi chi tiết trong cách thiết thiết kế mình thấy đều được chăm chút 1 cách rất tỷ mỉ, từ những thứ nhỏ nhất đều mang 1 ý nghĩa riêng.
Cá nhân mình thấy với những bạn mê check in sống ảo như mình thì Hotel de la Coupole là 1 địa điểm không thể bỏ qua khi ghé thăm “Thị trấn trong sương”.
Hiểu thêm về văn hóa của người Giáy tại bản Tả Van
Đối với những bạn lần đầu đến Tả Van, chắc chăn sẽ không khỏi bất ngờ trước vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và thanh lịch của những ngôi nhà trong làng. Ngôi làng Tả Van nằm ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Từ thị trấn, các bạn đi theo con đường quanh co quanh núi khoảng 10km là đến được Tả Van. Các bạn có thể lựa chọn đi taxi hoặc trekking (mình thấy đa số là người nước ngoài). Con đường đi vào bản Tả Van nhỏ, hẹp, hai bên là 1 màu xanh ngắt của ruộng bậc thang lúa và ngô. Ngoài ra nếu các bạn để ý trên đoạn đường vào bản Tả Van sẽ đi qua 1 cây Cầu bắc qua con cuối Mường Hoa. Ở ngay trên đỉnh của cây cầu treo là một ngôi đền – mình được biết đây là nơi người Giáy tổ chức lễ hội “Nào Cống”.
Với mình Tả Van không còn là một ngôi làng hẻo lánh như trước kia. Ở đây người ta đã xây dựng khá nhiều rồi, tuy nhiên điều đó lại dần làm mất đi vẻ đơn sơ, mộc mạc của ngôi làng bản địa. Tuy nhiên, ngôi làng này vẫn còn yên tĩnh hơn nhiều so với bản Cát Cát. Nếu có nhiều thời gian, mình khuyên các bạn nên dành chọn 1 ngày để ở lại bản Tả Van và trải nghiệm, tìm hiểu về đặc điểm văn hóa, lối sống của người dân tộc Giáy nơi đây.
Những thứ bạn cần: Một chiếc xe máy với 1 bình xăng đầy cộng thêm chiếc mũ bảo hiểm trên đầu. Đừng quên mang theo máy ảnh hoặc điện thoại sờ-mát-phôn nhé.
Giá vé: 70k/ 1 người.
Thời gian: ½ ngày hoặc full ngày.
Bạn nên: Mua 1 ít kẹo để vào làng chia cho các em nhỏ.
Utopia Eco Lodge – ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên
Chúng mình đến với Utopia Eco Lodge không phải là khách lưu trú, chỉ là khách tham quan trải nghiệm. Theo con đường đi xuống Tả Van, các bạn sẽ thấy biển chỉ dần rẽ vào khu Homestay Utopia Eco Lodge bằng gỗ được thiết kế khá đơn giản. Chúng mình rẽ vào con đường chỉ vừa 1 chiếc xe chạy thôi, 2 bên đường là những thửa ruộng bậc thang chỉ còn trơ lại những gốc rạ lúa đã được gặt hết. Đi tiếp khoảng 200m hiện ra trước mắt mình là những ngôi nhà nhỏ, xung quanh là cánh đồng cỏ bao la rộng lớn, cảm giác như chúng mình đang lạc vào trong bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” vậy.
Được biết chủ nhân của “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” này là anh Dương Xuân Phi, 1 người rất nổi tiếng trong cộng đồng xê dịch Việt. Thật tiếc khi hôm nay mình không có dịp gặp anh. Ngồi nói chuyện với anh quản lý của Uto thì chúng mình mới vỡ ra được nhiều thứ đang còn thắc mắc từ khi bước chân vào đây. Ở đây toàn bộ được làm bằng gỗ, điều đặc biệt là trên mái nhà đều được trồng cây, chính điều đó làm cho mùa hè ở đây rất mát, mùa đông thì lại rất ấm, bởi vì lớp đất trên mái nhà là nơi giữ nhiệt cho căn phòng bạn ở. Điều đặc biệt ở đây không có Wifi, tôi hỏi anh quản lý vì sao thì anh bảo: “Ở đây bọn anh muốn các bạn đến đây hãy kết nối với nhau bằng những câu chuyện, thay vì những chiếc Smartphone”. Rất hay và ý nghĩa.
Phía trước Uto là con suối Mường Hoa chảy qua tạo nên khung cảnh thơ mộng, chính khung cảnh ấy khiến tâm hồn mình thanh tịnh và an nhiên biết bao. Sau 1 hồi nói chuyện chúng mình chào anh và tiếp tục hành trình trải nghiệm tại “Thị trấn trong sương”.
Vị trí: Utopia Eco Lodge(xã Hầu Thào).
Gía phòng: 1.200k – 1.400k/ 1 đêm.
Giá vé tham quan chụp ảnh: 200k nửa ngày và 300k full ngày.
Check in với Thác Tiên Sa ở bản Cát Cát
Theo như mình được nghe 1 số người dân kể lại thì Bản Cát Cát là một ngôi làng dân tộc nơi người H’Mông sinh sống. Nó được hình thành vào giữa thế kỷ 19 và vẫn còn giữ được các nghề thủ công truyền thống quan trọng như trồng cây lanh, trồng bông, dệt vải, đúc đồng,…(cái này trên đường vào Cát Cát các bạn sẽ thấy).
Bản Cát Cát nằm cách trung tâm thị trấn chỉ khoảng 2km. Đường đến Cát Cát không quá khó khăn đâu. Các bạn có thể đi bộ, taxi hoặc xe máy,… giá taxi từ trung tâm thị trấn đến Cát Cát chỉ từ 50-100k thôi (các bạn nên hỏi giá trước nhé).
Để vào được bản các bạn phải mua vé, quầy bán vé ở ngay ngoài cổng chính. Dưới đây là giá vé mình thấy được niêm yết tại quầy:
Người lớn: 70.000 đồng/ 1 người.
Trẻ em: 30.000 đồng/ 1 bé.
Lời khuyên: Các bạn hãy nhớ hỏi bản đồ bản Cát Cát khi mua vé. Mình thấy nó khá hữu ích cho những bạn đi lần đầu đó.
Có 1 điều thú vị ở bản Cát Cát là các bạn nên thử/ thuê trang phục của người dân tộc H’Mông.
Trên đường vào bản có rất nhiều cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc. Các loại trang phục ở đây khá đa dạng, các bạn tha hồ lựa chọn trang phục mình yêu thích nhé. Như hôm mình đi có thuê 1 bộ màu xanh ở ngay bên ngoài cổng vào (mình cũng không nhớ tên shop nữa vì đi cũng khá lâu rùi). Giá thuê rẻ lắm, chỉ 50k/1 bộ thôi. Nhưng các bạn chỉ được thuê vào trong bản để chụp chứ không được mang đồ ra bên ngoài bản đâu.
Giá cho thuê mỗi bộ dao động từ 50k – 100k mỗi bộ.
Bạn nên: Kiểm tra quần áo cẩn thận. Nếu có bất cứ lỗi gì trên trang phục, các bạn báo ngay cho chủ cửa hàng tránh trường hợp nhiều bạn không để ý khi về gửi đồ phải đền oan nhé.
Cứ men theo con đường bậc đá, các bạn sẽ được dẫn đến 1 con thác mà người dân ở đây gọi là Thác Tiên Sa. Thác Tiên Sa là một trong những điểm check in hot nhất ở bản Cát Cát. Đứng gần thác, các bạn có thể nghe thấy tiếng nước đổ xuống 2 bên còn là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Một góc check in sống ảo đảm bảo cho ra hàng nghìn bức ảnh đẹp lung linh luôn nhé. (cười hí hí).
Những thứ bạn cần: Hãy mua vé trước khi vào bản và đừng quên mang theo 1 chiếc máy ảnh + 1 bạn nháy có tâm nhé.
Bạn nên: Mua ít bánh kẹo ở ngoài để vào bản cho các em bé dân tộc H’Mông nhé.
Lưu ý: Các bạn không nên quay lại đường xuống (quay lại cổng chính) vì nó xa và mệt. Các bạn nên đi mtheo lối ra ở Cổng 2 sẽ dễ dàng hơn và các bạn cũng sẽ được khám phá những khung cảnh khác nhau.
Tìm hiểu kiến trúc Gothic tại Nhà thờ Đá cổ
Nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thị trấn, nhà thờ đá cổ Sapa hay còn gọi là nhà thờ Đức Mẹ Mân côi được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 (theo thông tin mình tìm hiểu). Có thể coi đây là 1 biểu tượng của thị trấn Sapa với rất nhiều hoạt động diễn ra và cuối tuần.
|
Theo như những gì mình thấy(ý kiến cá nhân ạ) hầu như toàn bộ nhà thờ được xây dựng bằng đá(mình không biết tên cụ thể) giúp cho toàn bộ bên trong nhà thờ rất mát. Nếu những ai đã đi Tam Đảo thì sẽ thấy giữa 2 nhà thờ ở 2 địa điểm này có chung kiểu thiết kế theo kiến trúc Gothic(mái nhà, tháp chuông, vòm,…). Trước nhà thờ là một khoảng sân rộng, mình thấy người dân bản địa thường hay tụ tập ở đây để mua bán trao đổi hàng hóa. Đặc biệt là cuối tuần thường diễn ra các hoạt động cầu nguyện với những bài hát thánh ca của người H’Mông. Không chỉ là nơi dành cho các hoạt động tâm linh của người Công giáo, mà cuối tuần cũng tại nơi đây còn diễn ra các hoạt động văn hóa độc đáo mà mọi người hay gọi với cái tên quen thuộc ”Chợ tình”.
Ngoài ra, nhà thờ đá cổ còn là 1 địa điểm check in siêu hot mà bất cứ ai khi ghé thăm “Thị trấn trong sương” đều phải mang về cho mình 1 vài tấm ảnh.
Vị trí: Quảng trường trung tâm
Thời gian: Xây dựng năm 1935.
Giá vé: Free nhé.
Bạn nên: Giữ yên lặng khi vào tham quan và chụp hình tại nhà thờ nhé.
Thử thách leo lên cây Cầu Mây cổ
Ngoài nhà thờ đá cổ Sapa thì Cầu Mây cũng được coi là 1 trong những biểu tượng mỗi khi nhắc đến Sapa. Cầu Mây nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 8km theo con đường ven núi. Con đường đi tới Cầu Mây hiện tại đang được làm mới vì vậy đường rất bụi, nhiều sỏi đá dễ bị ngã nếu tay lái của các bạn không vững. Tuy nhiên khi vượt qua được đoạn đường đầy bụi bẩn đó rồi thì khung cảnh trước mắt các bạn sẽ là 1 ngôi làng Tả Van chìm trong mây mù.
|
|
Mình được biết đây là cây cầu chính mà người dân sống ở quanh đó đi lên trung tâm thị trấn. Nó được làm bằng dây mây bắc qua con suối Mường Hoa. Trải qua rất nhiều năm nên nó không còn giữ được sự chắc chắn cho mọi người di chuyển, vì vậy người dân bản địa làm thêm 1 cây cầu mới bằng gỗ ngay cạnh đó để đi lại được an toàn. Còn cây Cầu Mây cũ thì được giữ lại cho mọi người đến tham quan chụp ảnh.
Để có thể đi hết được cây cầu cần 1 sự dũng cảm không hề nhẹ. Mình là đứa nhát chết nên chỉ dám đi 1 2 bước lên cầu để chụp ảnh xong rồi té xuống mặt đất. Cảm giác bước nhẹ thôi mà cả cây cầu nó đã rung lắc, bên dưới lại còn là dòng suối chảy nữa chứ. Nhìn xuống là thấy hoa cả mắt rồi.
Vị trị: Bản Tả Van
Thời gian: 1 giờ đồng hồ.
Giá vé: Miễn phí nhé.
Bạn nên: Mang theo combo máy chụp hình + 1 bạn nháy có tâm nhé.
Khám phá hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam – Séo Mý Tỷ
Ngày cuối cùng 2 đứa bọn mình còn ở Sapa, thời tiết khá mát mẻ, vì vậy chúng mình quyết định men theo con đường đầy sỏi đá để đến được Séo Mý Tỷ. Nói thật là ngay từ lúc xuất phát, 2 đưa chẳng biết phía trước nó sẽ như thế nào, trong đầu chỉ có 1 vài thông tin đây là con hồ nhân tạo cao nhất Việt Nam. Vậy thôi!
Để đến được Séo Mý Tỷ, chúng mình phải băng qua con đường đầy sỏi đá to như của khoai tây ý. Quãng đường dài chừng 20km nhưng mình đi mất 1 giờ 30 phút mới đến được, bởi nó quá dốc và khó đi. Người ta bảo “gian nan tỏ mặt anh hùng” (cười nhẹ), càng đi lại càng thấy thiên nhiên Việt Nam đẹp vô cùng, trừ con đường đi nhé. Sau 1 phát trật bánh xe và bị xòe với 1 vài vết máu trên tay thì chúng mình cũng đã đến được con hồ nhân tạo Séo Mý Tỷ. Dừng xe, tắt máy, 2 đứa bước xuống nhẹ nhàng. Mọi thứ tĩnh lặng, mặt hồ lặng không 1 gợn sóng, tự hỏi nhau đây có phải đích đến không?
Tìm đường để xuống hồ mà không thấy, may thay mình gặp được 1 anh nuôi cá Tầm, nhà ở đó luôn. Hỏi thăm 1 chút thì anh cho mượn cái…(mình không biết gọi nó là gì, bè không phải, thuyền cũng không) nó chỉ là cái để anh ý ra cho cá ăn thôi. Nghe anh ý bảo, bình thường sẽ có người dân đi đánh cá, mình có thể xin phép họ cho ngồi trên cái bè đó và khám phá nhưng nay không có ai. Lượn lờ chụp được 1 vài tấm ảnh rồi chúng mình quay lên đi về.
Séo Mý Tỷ là 1 nơi còn hoang sơ và mới mẻ, rất thích hợp cho những bạn ưa khám phá. Tuy nhiên nếu khám phá mà bị xòe như mình là cũng hơi nguy hiểm đấy (hí hí). Nếu các bạn muốn đến đây trải nghiệm thì khuyên các bạn nên đi xe số, xe côn thì càng tốt, tay lái cứng thì mới đi được con đường đó.
Check in với “Vua của những con đèo” Ô Quy Hồ
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Ô Quy Hồ được mệnh danh là “Vua của những con đèo”. Những đoạn đường quanh co uốn lượn, quả đúng là con đèo đem lại nhiều cảm giác mới lạ cho bọn mình. Xuất phát từ trung tâm thị trấn, đi theo QL 4D, những đoạn đường đầu tiên rời xa thị trấn, cái cảm giác phê phê, nâng nâng khó tả. Sau cảm giác đó là nỗi sợ, có 1 chút sợ không hề nhẹ vì hôm bọn mình đi trời mây mù lại còn mưa nữa chứ. Phía trước thì cứ mờ mờ ảo ảo, cảm giác như đi xuyên màn đêm vậy (cười hihi). Đúng là thời tiết như cô gái mới lớn vậy, đi được 1 đoạn thì trời bắt đầu nắng, mây mù tan nhanh, ập vào mắt mình là 1 con đèo hùng vĩ, 1 bên là thung lũng còn 1 bên là cách núi đá cheo leo.
À, có 1 gợi ý cho các bạn muốn chụp những bức ảnh đẹp trên con đèo này đó chính là thời điểm hoàng hôn. Khi hoàng hôn xuống, toàn bộ con đèo bị nhuộm vàng, sống ảo thì mệt nghỉ luôn nhé. Tuy nhiên vì thời tiết trên này thay đổi nhanh lắm, như hôm mình đi thì chỉ được có 10 phút ngắm hoàng hôn, sau đó mây đen bao phủ, trời tối dầm đi.
Những thứ bạn cần: Mang theo áo mưa và áo khoác theo vì thời tiết trên này thay đổi rất nhanh và khó đoán.
Vị trí: Đèo Ô Quy Hồ.
Khoảng cách: 18km từ thị trấn.
Bạn nên: Đi xe số, chạy chậm qua những đoạn cua, chú ý quan sát gương cầu lồi nhé.
Lên Cổng Trời ngắm trọn toàn bộ Thị Xã Sapa
“Lên Cổng Trời mới biết được hết cảnh đẹp Sapa” đó là câu nói mà mọi người truyền tai nhau mỗi khi nhắc đến địa điểm check in này. Nếu như Hà Giang có cổng trời Quản Bạ thì ở Sapa cũng có cổng trời Ô Quy Hồ. Sở dĩ nó được gọi là cổng trời Ô Quy Hồ cũng bởi nó được nằm trên đỉnh cao nhất của con đèo Ô Quy Hồ. Chạy men theo QL 4D khoảng 18km đến đoạn tiếp giáp giữa Lào Cai với Lai Châu chính là đỉnh cao nhất của đèo Ô Quy Hồ mà người ta thường gọi là Cổng trời.
Trước kia bọn mình lên cổng trời còn hoang sơ lắm, nhưng lần quay lại gân đây nó đã được “thay da đổi thịt”. Rất nhiều những công trình được mọc lên và thu vé du khách tham quan. Giá vé để lên được cổng trời hiện tại là 80k/1 người. Đứng trên Cổng trời, các bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng rộng
lớn phía dưới là những thửa ruộng bậc thang, xem lẫn là những con đường dài quanh co uống lượn như 1 dải lụa vậy. Còn gì “phê” hơn khi đứng ở đây mà sống ảo thì cứ phải gọi là đẹp lung linh luôn ý.
Vị trí: Cổng Trời Ô Quy Hồ.
Khoảng cách: 18km từ thị trấn.
Giá vé: 80k/1 người.
Bạn nên: Đi xe số, đội mũ bảo hiểm, chạy chậm chú ý quan sát mỗi khi qua đoạn cua nhé.
Ngắm nhìn “dải lụa trắng” ở Thác Bạc
Chỉ cách thị trấn Sapa khoảng 30 phút chạy xe là các bạn đã có mặt ở chân Thác Bạc rồi. Để có thể vào tham quan các bạn cần phải mua vé bên ngoài cổng. Giá vé là 20k/1 người không kể là người lớn hay trẻ em. Sau khi mua vé tại quây, các bạn chỉ cần 10 phút leo bộ theo bậc đá dốc để tới được đoạn cây cầu vòm thép. Đứng ở đoạn cây cầu này, các bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thác nước cao 200m đổ từ trên đỉnh núi xuống. Và tất nhiên là các bạn không được phép bơi ở đây rồi (cười hí hí).
Vị trí: xã San Sả Hồ.
Giá vé: 20k/ 1 người.
Ngoài thiên nhiên hùng vĩ, núi rừng hoang sơ thì ẩm thực chắc chắn các bạn không thể bỏ qua mỗi khi ghé thăm Sapa. Với cái thời tiết se se lạnh vào buổi tối thì còn gì thú vị hơn khi được trải nghiệm “tour ẩm thực đường phố” chứ. Nổi tiếng nhất không thể không kể đến các món nướng, nào là thịt xiên nướng, cánh gà nướng, khoai nướng, chim nướng, lợn nướng,… ui choa quá là trời đồ nướng cho các bạn lựa chọn. Bọn mình đi 2 người mà ăn quá là trời đồ luôn. Giá đồ nướng ở đây cũng khá là rẻ, chỉ từ 20 – 100k thôi. Chúng mình ăn ở quán nướng đối diện Hồ Sapa nhé, mình không nhớ chính xác vị trí, nhưng nói chung là đồ ăn ở đây có giá chung hết mà. Không lo bị chặt chém đâu nhé.
Thịt lợn nướng chắc chắn các bạn sẽ phải thử, cứ tin bọn mình đi, 2 đứa mình đã ăn và đều trọn còn mắt lên nhìn nhau vì nó quá ngon luôn. Người ta ướp thịt lợn với hạt tiêu, rồi nướng trên bếp than nóng. Với cái thời tiết của Sapa mà ngửi thấy mùi thịt nướng thơm thơm, nồng nồng của tiêu thì không còn gì tuyệt vời hơn. Đặc biệt bạn nào tửu lượng khá chút thì có thể nếm thử rượu táo mèo, ăn với những món đồ nướng thì cứ gọi là “phê”.
Một món mà các bạn nên thử khi đến Sapa đó là cơm Lam nướng. Có 2 loại cơm Lam nướng, cơm Lan gạo tím và gạo trắng. Cả 2 đều ngon hết. Cho nên bạn ăn loại nào cũng được. Cô chủ quán cho mình biết người dân bản địa dùng gạo nếp cho vào ống tre với 1 ít nước suối, có thể cho thêm ít muối cho có mùi vị. Sau đó dùng lá chuối phủ lên đầu ống tre, rồi nướng bằng bếp than hoặc bếp lửa. Mình rất thích dùng cơm Lam với thịt xiên nướng chấm với muối vừng. Qúa đã cho 1 tour ẩm thực Sapa.
Ngoài ra các bạn có thể thưởng thức Thắng Cố ngựa, một món ăn đặc sản của người dân tộc Mông. Thật tiếc khi mình không ăn được nên không biết hương vị của nó như nào. Mình vẫn recommend cho các bạn nên thử nhé. Vì dù sao thì nó cũng là đặc sản nơi đây mà.
Vị trí: Đối diện Hồ Sapa.
Thời gian: 18h00 – 23h00.
Chi phí: 350k/ 2 người.
Nạp đầy bụng toàn là đồ nướng rồi, 2 con mắt đã bắt đầu díu lại, lúc này mình chỉ muốn phi ngay về phòng lăn ra ngủ luôn. Thế mà đứa bạn còn rủ rê qua chợ đêm dạo 1 vòng để mua đồ về làm kỷ niệm. Tại khu chợ đêm, các bạn có thể dễ dàng tìm mua được rất nhiều món quà về cho bạn bè và người thân. Đặc biệt là những gian hàng thổ cẩm được chính bàn tay của người dân bản địa thêu dệt rất tinh tế.
Ngoài những món đồ thổ cẩm, những gian hàng lưu niệm thì còn diễn ra các hoạt động văn hóa vào những ngày cuối tuần., các bạn sẽ được giao lưu cùng những người dân tộc ở đây.
Vị trí: Chợ văn hóa bến xe – Đường N1.
Thời gian: 16h00-00h00 (hàng ngày).
Ở Sapa hiện vẫn còn tình trạng chèo kéo khách du lịch để mua hàng. Nếu các bạn không có ý định mua thì mình khuyên không nên xem hàng rồi lại quay đi, vì khi đó họ sẽ bám theo bạn bằng được (mình đã bị và thấy rất thấm).
Với những bạn đến Sapa lần đầu (có cả mình) thì sẽ thấy ngạc nhiên với những em bé chạy theo bạn để bán hàng hoặc thậm chí để xin tiền. Tuy nhiên, tuyệt đối các bạn không cho các em tiền nhé. Có chăng, nếu có thể các bạn hãy mua ít kẹo cho các em là được rồi.
Hãy nhớ là mang theo áo khoác, áo mưa hoặc ô khi đi bất cứ địa điểm nào ở Sapa nhé. Vì thời tiết trên này có thể mưa bất cứ lúc nào.
Nếu các bạn thuê xe máy để trải nghiệm thì nên mang theo giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhé.
Tuy ngày càng có nhiều khách sạn, homestay được mọc lên nhưng vào những ngày lễ tết hoặc cuối tuần thường xảy ra tình trạng cháy phòng. Khuyên các bạn nên đặt phòng online trước nhé.
Đừng chụp ảnh với người dân bản địa nếu bạn không xin phép họ trước. Cái này thì ai cũng vậy thôi.
Trên đây là những trải nghiệm mình tổng hợp lại từ những chuyến đi của mình tại Sapa. Và tất nhiên là còn nhiều địa điểm check in khác mình chưa có cơ hội được khám phá. Hy vọng các bạn đóng góp, gợi ý thêm cho mình và mọi người cho những chuyến hành trình tiếp theo. Cảm ơn mọi người nhé!
Theo Maria Tuyền