Báo Sapa - Tin tức cho người Sapa

Văn hóa và con người Sapa có gì hấp dẫn, nổi bật?

15:57 CH
Thứ Tư 09/06/2021
 3918

Cùng chúng tôi tìm hiểu văn hóa và con người Sapa có gì hấp dẫn, nổi bật qua bài viết dưới đây.


Văn hóa và con người Sapa có gì hấp dẫn, nổi bật?

Có thể nói du lịch Sapa luôn nằm trong danh sách những địa điểm du lịch hot nhất của du lịch Việt Nam. Nhưng đi bất cứ nơi đâu, chính những nét văn hóa và con người nơi đây mới là điều làm nên vẻ đẹp cốt lõi và giá trị khó phai mờ của điểm đến. Sapa cũng vậy, bởi đây là nơi sinh sống của số đông đồng bào dân tộc thiểu số của vùng núi Tây Bắc. Hãy tìm hiểu văn hóa và con người Sapa có gì hấp dẫn, nổi bật qua bài viết dưới đây.

Sẽ không có gì nếu như ta không bắt gặp tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long thời trung học phổ thông. Câu chuyện nói về vẻ đẹp con người lao động Sapa – nơi mà khi nhắc đến là nghĩ ngay đến việc nghỉ ngơi. Đó là những câu từ miêu tả nhịp sống và cách sinh hoạt của những con người chăm chỉ lặng lẽ cống hiến cho dân tộc mình, cho quê hương mình. Nét đẹp sống động đó vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay, tạo nên sự đáng yêu và chân chất vùng đất của du lịch Sapa này đây.

Đối với những ai đam mê nhiếp ảnh thì du lịch Sapa đúng là thiên đường, bởi vẻ đẹp tự nhiên của những cậu bé, cô bé, những người phụ nữ dân tộc. Họ vất vả, đen nhẻm, trang phục cũng không cầu kì, hơi lôi thôi nhưng lại quá đỗi tự tin và chân thực. Vẻ đẹp của họ như thấm nhuần vào tâm hồn những người làm nghệ thuật để rồi tạo ra bức ảnh chưa hề qua chỉnh sửa nhưng được đánh giá rất cao trong làng nhiếp ảnh.

Văn hóa và truyền thống con người Sapa

Đôi mắt biết nói, nụ cười biết cảm, đôi tay khô ráp đầy màu nhuộm vải cũng là những điểm nhấn khó phai trong bức ảnh chân dung những dân tộc thiểu số.

Trang phục truyền thống

Phần làm nên giá trị của bức ảnh đó chính là trang phục truyền thống họ mặc thường ngày. Màu sắc rực rỡ, học tiết kì công nối liền nhau theo phong cách bohemian là những điểm đặc trưng nhất. Ở Sapa, mỗi dân tộc có sự khác biệt về trang phục. Đây là cách nhận biết dễ dàng nhất đối với các dân tộc không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới.

Chính trang phục thể hiện đặc trưng về cách sống, lối sống, tập tục, quan niệm, sinh hoạt, khí hậu nơi họ sinh sống.

Dân tộc Dao đỏ

Ngay từ nhỏ các cô gái người Dao đã được mẹ dạy cho cách thêu thùa, ăn mặc cho đẹp và học cách duyên dáng. Từ những chi tiết nhỏ đến cách nhuôm lại tấm áo chàm sao cho mới đều được các bà, các mẹ truyền dạy ăn sâu vào tiềm thức. Bộ trang phục hoàn chỉnh bao gồm: áo, yếm, xà cạp, khăn vấn đầu,… cùng các loại trang sức vàng bạc. Cổ áo của người phụ nữ Dao khá đơn giản, chỉ là những ô vuông thuê trắng xếp sát nhau, đính một miếng vải hình tam giác làm cổ yếm. Xà cạp có hình hoa văn móc câu hay răng cưa hình chim… thêu bằng chỉ đỏ, vàng, trắng tăng thêm phần nổi bật.

Dân tộc H’mông

Người H’mông Sapa có cách ăn mặc khác biệt nhất so với những bộ phận H’mông khác trên mảnh đất hình chữ S. Đàn ông mặc quần màu đen, màu chàm với áo ngắn tay và áo không tay bên ngoài, đội mũ tròn trông như mũ giáo hoàng. Còn phụ nữ, họ mặc váy, áo xẻ ngực, thắt lưng, xà cạp, phủ vải che trước váy. Họa tiết thường là hoa văn hình học như hình xoáy ốc, hình thoi, hình vuông, hình chữ thập,…

Bạn có thể bắt gặp và nhận biết họ ở khắp nơi tại Sapa, đặc biệt là ở bản Cát Cát, Lao Chải, Séo Mí Tý, Tả Giàng Phình.

Dân tộc Tày

Đây là đồng bào có số dân đông thứ ba tại Sapa. Tuy nhiên trang phục người Tày đơn giản hơn tất cả. Nam và nữ cùng mặc áo cánh 4 thân xẻ ngực, cổ tròn có hai túi phía trước với thắt lưng bản rộng quấn ngang eo. Màu sắc duy nhất chỉ trên áo của họ là màu chàm thẫm (xanh đen), có thể nói thiết kế này khá giống với áo dài Việt Nam hiện nay.

Dân tộc Giáy

Cũng là một dân tộc có trang phục khá đơn giản, ít thêu thùa, và chỉ có các băng vải màu quanh cổ và vạt áo. Áo nữ là loại áo ngắn xẻ nách, tạo nên sắc thái riêng cho trang phục dân tộc về cả kỹ thuật và mỹ thuật. Người phụ nữ thường quấn khăn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc, và đi giày thêu hoa văn nhiều loại.

Tóm lại, trang phục dân tộc ở Sapa có nhiều kiểu dáng, màu sắc sặc sỡ, hoa văn tinh tế như gấm thêu Hoa. Hầu hết đều là các sản phẩm thủ công, tự cung tự cấp của gia đình. Chính sự đa dạng và sặc sỡ màu sắc như vậy đã làm cho bức tranh thiên nhiên của du lịch Sapa được điểm xuyết một cách rực rỡ, tạo sự hiếu kỳ và tò mò cho du khách khi tới đây.

Ngôn ngữ – phong tục tập quán

Các dân tộc thiểu số ở Việt nam nói chung và Sapa nói riêng hầu hết đều có tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, khi sự phát triển kinh tế ngày càng lan rộng thì yêu cầu và đòi hỏi người dân ở khắp các tỉnh thành từ miền xuôi đến miền ngược đều phải biết nói và viết tiếng phổ thông. Vì vậy, khi du lịch Sapa bạn cũng phải quá lo lắng về sự cách biệt ngôn ngữ.

Hơn thế nữa, biết đâu bạn còn phải nể vốn tiếng anh và khả năng nói ngoại ngữ của người dân bản ngữ. Những đứa trẻ loắt choắt, đen nhẻm bé nhỏ hơn cả độ tuổi thật của chúng, có khả năng giao tiếp khá thành thạo với khách Tây. Quả là một điều kì diệu phải không nào? Thật không hổ danh là một “thị trấn du lịch”.

Phong tục tập quán

Lưu ý khi du lịch Sapa, du khách chỉ nên gọi bằng các tên phổ thông như Mông, Dao, Tày, Giáy, không dùng các tên gọi khác, từ ngữ khác khiến đồng bào phật ý. Nhìn chung họ là những người hiếu khách tuy nhiên du khách nên chú ý lắng nghe chỉ dẫn của hướng dẫn viên tour du lịch Sapa để tránh vi phạm phải những điều cấm kị của đồng bào như nơi ăn, ngủ, uống nước, đi lại và sử dụng đồ dùng,…

Lễ hội văn hóa truyền thống

Đến với nền văn hóa khác biệt đã thú vị, nhưng nếu may mắn đến đúng dịp lễ hội của du lịch Sapa thì bạn lại càng có cơ hội hiểu rõ hơn thêm về những dân tộc thiểu số, về đất nước và du lịch Việt Nam.

Lễ hội xuống đồng ngày xuân

Đây là lễ hội của dân tộc Tày, Dao diễn ra vào ngày mùng 8 Tết hàng năm thu hút rất nhiều lượt khách du lịch. Tại xã Bản Hồ khi này sẽ tổ chức các phần lễ như rước đất, rước nước, lễ cúng, cày đồng,…Ngoài ra, còn có phần hội với điệu múa xòe dập dìu, và hoan nghênh du khách cũng tham gia trải nghiệm, và thưởng thức những món ăn và mua một vài món ăn đặc sản Sapa.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông

Với ý nghĩa là “cầu phúc – cầu mệnh” cho một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe hạnh phúc, làm ăn sinh lời lãi, người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào vào sáng mùng 1 Tết tại Sapa. Trước đây là lễ hội diễn ra trong nội bộ gia đình thôi, nhưng cùng với sự phát triển của du lịch, lễ hội đã được mở rộng thành lễ hội của toàn dân tộc.

Lễ Tết nhảy của người Dao ở Tả Van

Lễ Tết nhảy là cái tên mô tả đặc trưng của lễ hội này. Ở đây mỗi điệu nhảy mô tả những hành động khác nhau và thường kể về truyền thống của dòng họ, công lao của tổ tiên. Trên tổng số 14 điệu nhảy độc đáo và đặc sắc, khách du lịch sẽ cảm nhận được rõ nhất nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Nhớ đến với du lịch Sapa vào khoảng mùng 1, 2 Tết nếu như có cơ hội bạn nhé.

Lễ quét làng của người Xá Phó

Đứng ở vị trí số 3 trên tổng số rất nhiều lễ hội lớn nhỏ ở Sapa còn có lễ quét làng. Người dân cầu sự bình yên, gia súc mạnh khỏe và hoa màu tươi tốt. Lễ được tổ chức vào tháng 2 âm lịch, thời điểm tương đối thích hợp đối với những đối tượng khách có nhu cầu đi du xuân. Ngày lễ này, bà con sẽ góp lợn, gà, chó gạo,… để làm mâm cúng, còn những người dân làng khác sẽ vẽ mặt nhảy múa cầu mong bình yên.

Chợ Tình

Hai chữ “chợ Tình” đã đi vào ấn tượng hình ảnh của du lịch Sapa cũng như tâm trí của khách du lịch khi đến đây. Mỗi tuần, từ đêm thứ 7 các nam thanh nữ tú ở các vùng thường đến Sapa để qua đêm gặp gỡ và giao lưu tình cảm. Chợ tình thường có các trò chơi được tổ chức như kéo co, thổi kèn lá, hát giao duyên,… Nhờ những hoạt động này, nhiều đôi trai gái trở nên thân thiết và hẹn hò nhau trong những phiên chợ sau. Không ít những đôi trai gái nên duyên vợ chồng từ đó người ta gọi đó là những phiên “chợ Tình”.

Nếu gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán có sản phẩm. Tuy nhiên, tình không ai bán cũng chẳng ai mua, vậy nên không thể gọi là chợ. Chính điều đó, nên cũng chưa có ai giải thích được cụ thể của định nghĩa này. Con người lấy chợ làm nơi hẹn hò, giao lưu nên được hiểu nôm na là nơi trao gửi tình cảm, được thể hiện những cử chỉ yêu đương theo phong tục.

Trước phiên chợ, về đêm Sapa rất vui bởi tiếng reo mừng theo từng bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu. Đối tượng của những người phụ nữ tại đây là các chàng trai người Dao trong trang phục áo Chàm, tay đeo đồng hồ và vai khoác chiếc đài Cát – xét. Du khách rất có thể bắt gặp tại một góc nhỏ, dăm bảy chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc máy Cát – xét vào gần cô gái để lắng nghe những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Nét mặt xấu hổ cúi đầu, ngại ngùng mà giấu mặt vào đôi bàn tay búp măng nhỏ nhắn làm nên sự dễ thương cho không chỉ con người mà còn là phiên chợ hấp dẫn này.

Tham gia tour du lịch Sapa và được khám phá ngắm nhìn, chụp ảnh những con người, những nền văn hóa khác biệt. Vẻ đẹp ở Sapa tự nhiên, trong trẻo, vô tư được thể hiện trong tính cách, tâm hồn, trong trang phục, trong cả những lễ hội truyền thống sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị xứ sở miền cao Tây Bắc này.

Bài viết cùng chuyên mục
Ý kiến đóng góp của bạn

Danh mục

Bài viết xem nhiều