Báo Sapa - Tin tức cho người Sapa

Cơ hội mới cho cây dược liệu Sapa

11:56 SA
Thứ Năm 18/06/2020
 1867

Trước xu hướng chuộng những sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm có nguồn gốc thảo mộc của thị trường, vùng du lịch Sa Pa có thêm cơ hội lớn để mở rộng quy mô sản xuất và phát triển ngành thương mại có liên quan đến dược liệu.  


Cơ hội mới cho cây dược liệu Sapa

Kiểm tra sự phát triển của cây dược liệu tại Sa Pa.

Dù có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nhưng việc phát triển cây dược liệu ở Sa Pa còn nhiều hạn chế: Diện tích chuyên canh cây dược liệu chỉ khoảng 80 ha (chủ yếu là cây atisô và diện tích nhỏ là các giống xuyên khung, đương quy, bạch truật, tam thất…); địa hình núi cao hiểm trở, kèm theo đó là núi đá và địa hình chia cắt mạnh khiến việc canh tác khá manh mún; tâm lý lo dự trữ lương thực (lúa, ngô) trong bà con vẫn còn khá nặng, nên ngại chuyển đổi cây trồng mới, nhất là cây trồng phi truyền thống và có tính hàng hóa; do chưa nhận thức hết lợi ích của việc duy trì, bảo tồn một số loài dược liệu liệu quý, nên xảy ra tình trạng khai thác tràn lan trong thời gian qua, thậm chí khiến một số nguồn dược liệu tự nhiên đứng trước nguy cơ xóa sổ...

Hiện nay, trước nhu cầu sử dụng ngày càng cao các sản phẩm dược liệu trên thị trường, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi với sự ưa chuộng nguồn hàng hóa sạch, hướng nội, đặc trưng và nguồn gốc thảo mộc, khiến ngành sản xuất dược liệu Sa Pa được đón nhận thời cơ mới. Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa nhận định: Thị trường thay đổi buộc Sa Pa phải thích ứng. Để có thể trở thành vùng dược liệu lớn mạnh và bền vững, vấn đề quy hoạch và quy hoạch lại vùng dược liệu là tất yếu. Huyện Sa Pa đã đề ra định hướng phát triển ngành sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu là khôi phục lại vùng trồng gắn với nhu cầu của thị trường; sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ. Trong các hoạt động thị trường, huyện khuyến khích việc đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất sản xuất, Sa Pa tạo điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào canh tác dược liệu. Đơn cử như việc hạn chế sử dụng quỹ mặt đất tự nhiên mà thay vào đó là sử dụng đất sinh học, trồng dược liệu trên giá treo, điều đó vừa tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà tiết kiệm được quỹ đất. Trong khai thác, là việc tận dụng lợi thế nguồn dược liệu tự nhiên có kết hợp với bản tồn, duy trì và phát triển các nguồn cây quý hiếm. Huyện cũng có cơ chế khuyến khích việc bảo tồn các nguồn gen dược liệu đặc hữu, cây dược liệu bản địa giá trị cao và có nguy cơ tuyệt chủng thông qua các dự án, hợp phần phát triển; hoàn thiện các quy định, chính sách với danh mục dược liệu cấm khai thác, hạn chế khai thác vì mục đích thương mại. Việc quy hoạch vùng khai thác dược liệu tự nhiên cũng sẽ được tiến hành song song với công tác điều tra, đánh giá, xác định số loài, trữ lượng để có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt.

 

Do chưa có cơ sở nghiên cứu, chọn lọc giống hay tập đoàn giống dược liệu, việc phát triển sản xuất chủ yếu là tự phát và dựa vào tự nhiên, nên lĩnh vực này đang được Sa Pa rất quan tâm, nhằm tạo sự chuyển biến lớn trong những năm tới đối với ngành sản xuất dược liệu. Kế hoạch cụ thể là huyện sẽ kết hợp với các đơn vị nghiên cứu uy tín để chọn lọc, lai tạo các giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Về đầu ra cho sản phẩm, hiện sản lượng lớn nguồn dược liệu trên địa bàn xuất bán cho Công ty TNHH một thành viên Traphaco SaPa, số còn lại được người dân sơ chế bán ra thị trường. Với lợi thế về du lịch, do đó, việc gắn sản phẩm dược liệu với du lịch là hướng đi bền vững tạo thị trường xuất khẩu tại chỗ mà huyện đang hướng tới. Trong hướng đi này, người dân còn nhận được sự vào cuộc, chung tay của chính quyền địa phương để sản phẩm dược liệu mang nhãn hiệu Sa Pa tiến xa hơn tới thị trường trong nước.

 

Hiện, Sa Pa đang hướng tới việc mở rộng sản xuất một số sản phẩm dược liệu tiềm năng như atisô, đẳng sâm, đỗ trọng, đương quy, mộc hương, tam thất, xuyên khung… trong đó, tập trung phát triển mạnh atisô, đương quy và đẳng sâm. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, vùng sản xuất cây dược liệu tập trung sẽ là 100 ha, tiếp đó là 150 ha. Có tiềm năng, định hướng phát triển rõ ràng nhưng vấn đề quan trọng và mang yếu tố quyết định vẫn là nguồn lực và Sa Pa vẫn đang chờ đợi điều này.

NGÔ LUYÊN

Bài viết cùng chuyên mục
Ý kiến đóng góp của bạn

Danh mục

Bài viết xem nhiều